Vài năm gần đây, thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) “trăm hoa đua nở”. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển đó là khá nhiều bất cập: nhiều loại sản phẩm có giá quá cao so với giá trị thực, quảng cáo sai sự thật khiến người tiêu dùng ngộ nhận về tác dụng “thần kỳ” của TPCN. Trao đổi về vấn này, ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN cho biết:
Có thể nói, thị trường TPCN so với 10 năm trước có sự phát triển khá mạnh, từ chỗ chỉ có vài trăm DN, vài trăm sản phẩm, đến hết năm 2012 cả nước đã có 1.154 tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất kinh doanh TPCN với hơn 5.000 sản phẩm.
Hiện, 48% lượng TPCN lưu thông trên thị trường là sản phẩm sản xuất trong nước, 52% nhập khẩu. Thực phẩm chức năng ngày càng khẳng định vai trò của mình trong việc góp phần tăng cường sức khỏe nhân dân, phòng ngừa bệnh tật, đặc biệt là các bệnh mạn tính. Ước tính, ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh có khoảng 50% người lớn tuổi dùng TPCN để tăng cường sức khỏe và hỗ trợ điều trị bệnh.
Nhiều người đang tỏ ra nghi ngờ về công dụng của TPCN. Ông có thể cho biết tác dụng thực của loại sản phẩm này?
Một số loại TPCN được quảng cáo quá mức, không đúng tác dụng thực, khiến người tiêu dùng nghĩ TPCN có thể chữa khỏi bệnh, thậm chí chữa cả ung thư. Tôi khẳng định, TPCN chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, phòng ngừa bệnh tật, chứ không thể thay thế được thuốc điều trị bệnh. Tất nhiên, khía cạnh phòng ngừa bệnh rất hữu ích, vì trong xã hội hiện đại có nhiều bệnh mạn tính mà nguyên nhân là do ăn uống, làm việc, sinh hoạt không khoa học. TPCN có tác dụng bổ khuyết những vấn đề này để phòng bệnh.

PGS. TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp Hội Thực phẩm chức năng Việt Nam.
Thực phẩm chức năng hoạt động theo 3 cơ chế. Thứ nhất, tăng cường sức khỏe, tăng khả năng miễn dịch. Thứ hai, bản thân TPCN có một số hoạt chất tác động trực tiếp vào các nguyên nhân gây bệnh. Chẳng hạn, asom trong tinh dầu thông đỏ tiêu diệt các tế bào ung thư; eriduit trong các sản phẩm thực vật hỗ trợ tăng sức đề kháng, kháng vi khuẩn và vi-rút, làm giảm mỡ máu, giảm đường máu. Thứ ba, TPCN làm giảm tác dụng phụ và những tai biến của tân dược. Ví dụ, người nào điều trị ung thư bằng hóa chất và xạ trị thì các hóa chất xạ trị đó không chỉ tiêu diệt tế bào ung thư mà còn tiêu diệt cả tế bào non bình thường, gây rụng tóc, rụng lông, viêm niêm mạc dạ dày… TPCN sẽ làm tăng hiệu quả của tân dược, hỗ trợ tiêu diệt tế bào ung thư hoặc hỗ trợ tấn công các nguyên nhân gây bệnh. Chính vì vậy, năm 2013, ngành y tế thế giới đã chọn chủ đề “TPCN cho các bệnh mạn tính“.
Hiện, còn nhiều bất cập trong quản lý giá TPCN. Làm thế nào để người dân có thể mua được TPCN đúng với giá trị thực của chúng, thưa ông?
Giá nhiều loại TPCN hiện quá cao so với giá trị thực của chúng nên đã hạn chế người tiêu dùng, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Có 3 nguyên nhân khiến giá cao. Thứ nhất là mức thuế của sản phẩm này quá cao, hiện là 30%, trong khi các sản phẩm thuốc, y tế chỉ 0-10%. Thứ hai là sản xuất TPCN đòi hỏi đầu tư nhiều máy móc hiện đại, chi phí cao như công nghệ na nô, công nghệ vi sinh, công nghệ creozen… Giải pháp là phải cải tiến công nghệ để hạ giá thành sản phẩm. Nguyên nhân thứ ba là nhiều DN cố tình đẩy giá bán lên cao để kiếm lợi nhuận.
Chúng tôi đã khảo sát, thấy có sản phẩm nhập khẩu chỉ khoảng 200.000 – 300.000 đồng, nhưng vào Việt Nam, họ bán tới 1,9 – 2 triệu đồng. Do đó, Nhà nước cần có chính sách giảm thuế, đồng thời có cơ chế giám sát chặt chẽ giá thành, giá bán các loại sản phẩm TPCN.
Trên thị trường có quá nhiều loại Thực phẩm chức năng trôi nổi, ông đánh giá thế nào về điều này?
Bộ Y tế đang hướng tới việc ban hành một thông tư về quản lý TPCN, chúng tôi hy vọng thông tư này sẽ phù hợp với điều kiện Việt Nam và thế giới.
Có thông tư rồi, Nhà nước cũng cần kiện toàn lực lượng quản lý ở cấp tỉnh, huyện và cơ sở, đồng thời phải có lực lượng thanh tra chuyên ngành, với đội ngũ cán bộ am hiểu sâu về TPCN thì mới kiểm tra được. Tôi thấy hiện nay, nhiều khi cán bộ đi kiểm tra, họ thường đọc sai thành phần ghi trên nhãn sản phẩm Thực phẩm chức năng, vì trình độ của họ về lĩnh vực này rất hạn chế, dẫn đến hiện tượng cán bộ thanh tra tự ý xử lý, kết luận, góp phần gây “loạn” thị trường TPCN.
Bộ Y tế cấm bác sĩ kê TPCN vào đơn thuốc. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Nếu nói là một đơn thuốc, thì bác sĩ chỉ kê thuốc ở trong đó thôi, dĩ nhiên TPCN không phải là thuốc. Tuy nhiên, xét về khía cạnh hướng dẫn người bệnh thì bác sĩ không chỉ ghi đơn thuốc, mà còn ghi những lời dặn dò vào sổ khám chữa bệnh như chế độ ăn uống, sinh hoạt…, như vậy, ở phần này bác sĩ hoàn toàn được ghi vào đó những loại thực phẩm và những thứ không phải là thuốc. Do đó, việc cấm bác sĩ khuyên người bệnh sử dụng TPCN là bất hợp lý.
Xin cảm ơn ông!
Theo kinhtenongthon.com.vn
Công Ty TNHH Phát Triển Thực Phẩm IFOOD Việt Nam
Địa chỉ: 470 Lê Thị Riêng, Phường Thới An, Quận 12, Tp.HCM | Điện Thoại: (028) 6682 7330 - (028) 6682 7350 |
Hotline Tư Vấn CGCN: 0942 661 626 (Mrs Hạnh) | |
Hotline Tư Vấn ATTP: 0918 828 875 (Mr Mạnh) | Hotline Tư Vấn CBSP: 0909 898 783 (Mr Hải) |
Website: ifoodvietnam.com | Email: [email protected] |